Tin mới

Cán bộ cấp chiến lược phải lấy “đức” làm gốc

Ngày 12/5, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII bế mạc sau 6 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Các nội dung đưa ra thảo luận lần này thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, trong đó có công tác cán bộ, bởi đây là vấn đề “nóng” trong tình hình hiện nay.

Thành phố Hồ Chí Minh: Họp mặt kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt cựu chiến binh, cựu TNXP tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

Thủ tướng chỉ thị các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Phóng viên phỏng vấn ông Vũ Ngọc Hoàng - nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương về nội dung này.

Bí thư không phải là người địa phương nhưng vẫn phải tranh cử thực chất

PV: Tại Hội nghị Trung ương 7 lần này cũng đặt vấn đề năng lực và phẩm chất của đội ngũ cán bộ. Tổng Bí thư đã đặt ra câu hỏi: đối với cán bộ, coi trọng đức hay tài hay coi trọng cả hai. Theo ông, tại sao vấn đề này lại được nhấn mạnh trong tình hình hiện nay?

Ông Vũ Ngọc Hoàng: Cán bộ nói chung, nhất là cấp chiến lược, cần phải trong sạch, không lợi ích nhóm, tức là lấy đức làm gốc, thể hiện tính chân chính của một bộ máy, bảo đảm giữ lòng tin trong nhân dân và trong nội bộ Đảng. Khi đánh mất hết lòng tin ấy thì nhất định sẽ thất bại và đổ vỡ. Tất nhiên chỉ có đức không thôi thì chưa đủ, cần có tài nữa, phải coi trọng đồng thời, nhưng phải trên cơ sở của đức, cái nền của đức.

PV: Quy định về công tác bộ được xây dựng khá chặt chẽ, nhưng thực tế trong thời gian qua chúng ta vẫn để lọt vào hệ thống nhiều cán bộ không xứng đáng, thậm chí có những người phải xử lý về mặt hình sự. Theo ông, có tiêu cực trong chính công tác cán bộ không?

Ông Vũ Ngọc Hoàng: Chắc chắn không chỉ có tiêu cực mà là tiêu cực lớn, khá phổ biến và nặng nề. Nhiều người còn gọi đó là tham nhũng “ghế”, tham nhũng chính trị, tham nhũng quyền lực, loại tham nhũng tệ hại và nguy hiểm nhất, gây nhiều hệ lụy lâu dài nối tiếp nhau, nếu không ngăn chặn được thì chắc chắn sẽ làm hỏng sự nghiệp chung.

Tình trạng có nhiều cán bộ vi phạm như vậy là do nhiều nguyên nhân. Trong đó có việc giáo dục liêm sỉ chưa đạt yêu cầu. Nhưng cái nguyên nhân chính, lớn nhất, quan trọng nhất, theo tôi nghĩ, là chưa kiểm soát được quyền lực.

Việc này nhiều người đã nói, 3-4 năm nay tôi đã thưa nhiều lần trong các phát biểu tại hội nghị, trong bài viết và trả lời phỏng vấn. Tổng Bí thư cũng đã có ý kiến chỉ đạo cách đây mấy năm. Đồng chí Trưởng ban Tổ chức Trung ương gần đây cũng đã có nhấn mạnh tại một vài hội nghị và hội thảo. Như vậy là nhiều người đã thấy, điều đáng nói còn lại là cách đặt vấn đề và chỉ đạo quyết liệt đến đâu.

Cũng có ý kiến cho rằng ở nước ta về cơ bản đã có nhiều quy định về kiểm soát quyền lực rồi, khuyết điểm có thể là còn thiếu và thực hiện chưa nghiêm. Tôi thì không nghĩ thế. Tất nhiên việc kiểm soát quyền lực ít nhiều cũng đã có, nhưng về cơ bản là không đủ và chưa ổn.

PV: Đề xuất bố trí Bí thư cấp uỷ cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương, đang nhận được sự đồng tình cao của dư luận vì sẽ giúp kiểm soát được quyền lực tốt hơn. Ý kiến của ông như thế nào?

Ông Vũ Ngọc Hoàng: Việc đề án của Trung ương mới đây có dự kiến quy định Bí thư cấp tỉnh và cấp huyện không bố trí người địa phương, tôi nghĩ, với tình hình thực tế như hiện nay, đó là việc đúng và cần thiết. Tôi ủng hộ cách làm này.

Thời nhà Nguyễn, vua Minh Mạng và tiếp đó là vua Thiệu Trị có luật Hồi Tỵ, đã quy định chức quan đứng đầu không phải là người địa phương và cấm bổ nhiệm con cháu, người nhà của quan đứng đầu tại địa phương mà ông quan ấy đang làm việc. Đây là cách để ngăn ngừa các sai phạm trong bổ nhiệm người nhà, đồng thời cũng góp phần làm hạn chế tính cục bộ địa phương. Tuy nhiên, cần chú ý thực hiện đồng bộ các biện pháp khác nữa.

Bí thư không phải là người địa phương nhưng vẫn rất cần phải có tranh cử thực chất, từ 2-3 phương án để chọn 1, phải chuyển từ “sắp đặt” cán bộ sang tranh cử công khai, minh bạch.

Nếu không có tranh cử thực chất thì giống như muôn loài rời bỏ quy luật chọn lọc tự nhiên, tất yếu sẽ thoái hóa. Tiếp theo cũng nên nghiên cứu việc không bố trí người địa phương đối với chức danh Chủ tịch, vì chính Chủ tịch mới là “quan” đứng đầu địa phương hiểu theo nghĩa hành chính, còn Bí thư thì nên gắn với việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, là nhân vật đại diện cho các giá trị, chăm lo lãnh đạo việc xây dựng chính quyền của dân và giúp đỡ, hỗ trợ cho nhân dân giám sát chính quyền địa phương, chứ Bí thư không phải là người đại diện cho quyền lực nhà nước.

Xây dựng cơ chế để phát hiện, tiến cử nhân tài

PV: Đề án lần này trình Trung ương thảo luận có điểm đáng chú ý là đưa ra cơ chế phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ trẻ có bản lĩnh, năng lực nổi trội và triển vọng phát triển vào các vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả vượt cấp. Để thực hiện chủ trương này, theo ông, cần làm gì để không lặp lại hiện tượng bổ nhiệm “thần tốc” trong thời gian qua?

 “Để kiểm soát được quyền lực thì phải tạo ra cơ chế, thể chế, bằng các khung pháp lý có chế tài rõ ràng”

Ông Vũ Ngọc Hoàng: Vừa qua có một số cán bộ trẻ bị kỷ luật là do có vấn đề không khách quan, không chặt chẽ khi đề bạt. Không nên vì thế mà không chăm lo bồi dưỡng cán bộ trẻ. Tôi nghĩ rất nên, rất cần có biện pháp và cách làm hiệu quả nhằm sớm phát hiện được nhân tài từ khi còn trẻ, tạo điều kiện để bồi dưỡng họ, để họ xuất hiện thông qua thực tế công việc được kiểm nghiệm, và đề bạt vượt cấp. Phải làm vậy để có cán bộ chiến lược tài năng và còn trẻ cho đất nước.

Nhưng đây là công việc rất khoa học, không dễ dàng và không đơn giản. Không khéo lại bị lợi ích nhóm xen vào, người ta lợi dụng một chủ trương đúng để làm sai. Cuối cùng vẫn không thấy nhân tài đâu, mà lại đề bạt nhầm người, tai hại vô kể.

Cứ phải công tâm trong sáng và có cách làm đúng thì sẽ khả thi. Trước nhất, những người đi phát hiện cán bộ chiến lược phải có đầu óc chiến lược. Nếu bản thân anh không có tư duy chiến lược thì anh không thể phát hiện được người khác có triển vọng là cán bộ chiến lược tài năng. Tiếp đến, phải làm rõ thế nào là biểu hiện của triển vọng nhân tài? Có thể có nhiều biểu hiện nhưng theo tôi, nhất thiết họ phải là người có tư duy độc lập, có chính kiến và bản lĩnh riêng, không phải là người để gọi dạ bảo vâng, và ăn theo nói leo.

Mà người có chính kiến riêng, độc lập thì nhiều khi hay nói ra những lời nghịch nhĩ mà lãnh đạo khó ưa, người có dụng ý xấu thì dễ lấy đó mà quy chụp và trù dập. Còn việc bồi dưỡng nhân tài thì không thể bằng các giáo huấn áp đặt, chỉ vẽ công việc thừa hành, mà là tạo điều kiện cho họ sáng tạo và thử nghiệm các tư duy độc lập.

Tức là để bồi dưỡng được nhân tài phải có cách làm khác với cách làm thông thường mà lâu nay ta đã quen. Xây dựng một cơ chế để phát hiện và tiến cử.

Nếu tôi nhớ không nhầm thì có một ý của Nguyễn Trãi và của Ngô Thì Nhậm nói rằng, nhân tài có thể đang ở trong hàng quan nhỏ, ở bìa rừng và đồng nội, và họ không đem ngọc bán ra; họ có những suy nghĩ độc lập, có thể khác với những suy nghĩ của thánh thượng và có những lời nói thẳng. (Chứ họ không phải là những người chỉ quanh quẩn gần triều đình, hay chạy tới chạy lui và nịnh nọt bề trên). Để góp phần giám sát cho công việc này đạt hiệu quả, nên có một bộ phận thường xuyên kiểm định và đánh giá một cách thẳng thắn kết quả công việc.

 

Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII bế mạc sau 6 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra.

PV: Như Tổng Bí thư đã nói: “chống tham nhũng rất khó, vì ta đánh ta”, vậy theo ông trong công tác cán bộ, khi xây dựng “lồng quy chế” để nhốt quyền lực có gặp phải rào cản gì không? Để kiểm soát được quyền lực, theo ông, cần phải làm gì?

Ông Vũ Ngọc Hoàng: Chống tham nhũng đúng là rất khó, vì trong nó có ta và trong ta có nó. Để xây dựng được một khung pháp lý tốt cho việc kiểm soát chặt chẽ quyền lực là không đơn giản, luôn có những cản trở nhất định, vì tâm lý chung là những người đang nắm giữ quyền lực ít ai muốn tự giới hạn và trói buộc chính mình.

Thông thường thì họ muốn có quyền hành ngày càng nhiều hơn, thậm chí bao nhiêu cũng được, muốn làm thế nào cũng được. Bản thân tâm lý ấy cũng là một lý do, là biểu hiện sự bắt đầu của thoái hóa quyền lực. Chỉ có những người thật sự đủ giác ngộ vì việc chung mới quyết tâm làm, dù cho quyền hành của mình có bị hạn chế lại, bị kiểm soát.

Để kiểm soát được quyền lực thì phải tạo ra cơ chế, thể chế, bằng các khung pháp lý có chế tài rõ ràng. Trước tiên là kiểm soát quyền lực bằng quyền lực nhà nước theo hướng tách nhiệm vụ ra để tạo độc lập tương đối các quyền giữa 3 nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Thời phong kiến 3 nhánh ấy thường là một, hành pháp chỉ huy luôn lập pháp và tư pháp. Cuối thời phong kiến ở Châu Âu các nhà khoa học đã đề xuất tách ra và được chấp nhận. Ba nhánh đó độc lập tương đối với nhau và có chức năng kiểm soát chéo lẫn nhau để có thể khống chế sự lộng quyền và điều chỉnh sớm nhất các sai phạm.

Cách đây không lâu, chúng ta đã thấy có chuyện Tổng thống Mỹ quyết định việc gì đó nhưng bị một tòa án cấp địa phương phủ quyết vì trái với luật pháp của nước Mỹ. Hàn Quốc thì Tổng thống vi phạm đã bị đem ra Quốc hội luận tội và bãi chức, khởi tố. Ngay cả trong một nhánh quyền lực cũng cần có sự phân công theo hướng có kiểm soát lẫn nhau.

PV: Ông đã từng nói, quyền lực không được kiểm soát thì mặt trái của nó chính là tác nhân quan trọng nhất làm tha hóa cán bộ, tha hóa cả bộ máy. Và để cơ chế kiểm soát quyền lực phát huy tác dụng phải đi liền với sự giám sát. Ngoài các cơ quan, ban ngành, cũng nên giao quyền giám sát cho người dân bằng cơ chế cụ thể cũng sẽ hạn chế được sự lộng quyền, chuyên quyền, thưa ông?

Ông Vũ Ngọc Hoàng: Tất nhiên rất cần có quyền giám sát của dân. Nhà nước phải có quy chế về thực thi dân chủ trong vấn đề này. Ta đã khẳng định lâu nay rằng nhà nước Việt Nam là nhà nước của dân, do dân làm chủ. Đó là một tư tưởng rất tiến bộ, cần phải được thực thi đến cùng chứ không thể dừng lại ở lý thuyết và khẩu hiệu.

Ông chủ thì có quyền giám sát là tất nhiên rồi. Việc tố cáo, khiếu nại, chất vấn, kiến nghị, phúc quyết, xin ý kiến của nhân dân cần được tiếp tục hoàn thiện. Đó là quyền tham chính của người dân làm chủ. Chứ không phải như ngày trước, coi chuyện chính trị là chuyện của riêng Nhà nước, dân không được tham gia. Còn nữa là việc thông qua báo chí, công luận và các tổ chức dân sự để nhân dân lên tiếng nữa. Đó cũng là “sức đề kháng” của một “cơ thể” xã hội lành mạnh.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản