Tin mới

Phát huy vai trò đoàn kết, yêu nước của sư sãi Khmer trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Trong đời sống của người Khmer theo Phật giáo Nam tông, các sư sãi có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh và đời sống xã hội. Bài viết đề xuất các giải pháp để tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước của sư sãi Khmer trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc “làm nòng cốt” trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào Khmer.

200 căn nhà đại đoàn kết đến với hộ nghèo huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang

Trang trọng Lễ dâng hương dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên, tỉnh Phú Thọ

Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bản anh hùng ca bất diệt

­Đặc điểm tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào Khmer

Phật giáo đến với người Khmer ở Nam Bộ Việt Nam khá sớm. Cùng với thời gian, Phật giáo Nam tông đã ăn sâu, bám rễ trở thành đặc trưng văn hoá và lối sống của dân tộc Khmer Nam Bộ. Ngôi chùa Phật giáo không chỉ là trung tâm tín ngưỡng, mà còn là trung tâm văn hoá, trung tâm giáo dục... Hầu như cả cuộc đời của người Khmer gắn với ngôi chùa. Chính vì vậy, đối với đồng bào Khmer, việc thực hiện các nghi lễ của Phật giáo Nam tông gắn liền với các lễ hội dân tộc.

Trong suốt chiều dài lịch sử, đồng bào dân tộc Khmer đoàn kết, gắn bó với dân tộc Kinh và các dân tộc anh em trong xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Phật giáo Nam tông đoàn kết gắn bó với sơn môn, tông phái của Phật giáo Bắc tông trong tinh thần lục hoà của Phật giáo. Đó là cơ sở cho việc Phật giáo Nam tông Khmer tham gia thống nhất Phật giáo cả nước năm 1981, hình thành Giáo hội Phật giáo Việt Nam - ngôi nhà chung của Phật giáo Việt Nam.

Hiện có 453 ngôi chùa được xây dựng trong các phum, sóc ở các tỉnh vùng Tây Nam Bộ. Mỗi ngôi chùa đã đảm nhận hai chức năng chính: Chùa là nơi sư sãi truyền giảng đạo lý Phật giáo và cũng là thư viện tàng trữ các thư tịch cổ; nơi bảo tồn, lưu giữ di sản văn hoá của cộng đồng phum, sóc qua các thời kỳ lịch sử. Yêu cầu cao và đòi hỏi nghiêm khắc đối với các vị sư thực hiện đúng giới luật đã tạo ra cho giới tu hành nếp sống chuẩn mực, có đạo hạnh, nên sư sãi luôn được cộng đồng tôn trọng. Mỗi chùa Khmer ở Tây Nam Bộ có khoảng từ 10 đến 15 vị sư sãi tu hành, có chùa số sư sãi lên tới hàng chục vị. Phật giáo Nam tông Khmer Nam bộ không có phụ nữ tu tại chùa. Đứng đầu các vị sư trong chùa là Luk Krou (Sãi cả); là người có nhiều năm tu hành, hiểu biết kinh Phật, có đức độ, uy tín. Sãi cả có trách nhiệm điều hành các hoạt động tôn giáo và xã hội của nhà chùa. Ban quản trị chùa lo các nguồn kinh phí để xây dựng, duy trì các hoạt động của nhà chùa. Người Khmer Nam Bộ tin rằng, việc đóng góp, hiến tặng của cải, công đức cho nhà chùa là một cách tích luỹ công đức cho mai sau khi được trở về với Đức Phật ở chốn niết bàn.

Hiện nay, toàn vùng Tây Nam Bộ có khoảng gần 10 ngàn sư sãi đang tu tập tại 453 ngôi chùa Khmer. Trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, được sự giác ngộ của Đảng, đồng bào Khmer đã “một lòng, một dạ” theo Đảng, tham gia các phong trào đấu tranh chính trị, binh vận, đấu tranh vũ trang. Trong các phong trào đấu tranh cách mạng sôi sục của đồng bào Khmer, đã có nhiều sư sãi “cởi áo cà sa, khoác áo chiến bào” trở thành những cán bộ cách mạng, tích cực tuyên truyền, vận động thu hút đông đảo đồng bào Khmer tham gia phong trào đấu tranh sôi nổi, rộng khắp và liên tục; nhiều sư sãi đã giữ cương vị cao trong Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam như: Hoà thượng Sơn Vọng, Phó Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ hoà bình thế giới, Phó Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, cố vấn Mặt trận Dân tộc Giải phóng khu Tây Nam Bộ. Hoà thượng Hữu Nhem, Phó Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Phó Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ hoà bình thế giới; Hòa thượng Thạch Sơn, Hội trưởng Hội đồng sư sãi yêu nước khu vực Tây Nam Bộ; Hòa thượng Lui Sa Rat, Chủ tịch Mặt trận Giải phóng tỉnh Trà Vinh… Đã có nhiều sư sãi hy sinh anh dũng như Đại đức Sơn Vọng, Đại đức Thạch Xom, Đại đức Sơn Thal ở chùa Prây Chóp... đã có nhiều ngôi chùa cổ kính như chùa Dìa Chuối, chùa Tân Hiệp - Cà Mau; chùa Kinh Hải, chùa Sóc Diện - Gò Quao (Kiên Giang), chùa Prâychóp, chùa Tà Teo, chùa Bàng Thua - Vĩnh Châu (Hậu Giang)… đã trở thành các "Chùa Mặt trận" là nơi cất giấu tài liệu, nuôi giấu cán bộ. Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, đã có nhiều cuộc đấu tranh chính trị, binh vận do các vị sư sãi tổ chức dưới sự lãnh đạo của Đảng được đông đảo đồng bào tích cực tham gia như: Cuộc đấu tranh của khoảng 200 sư sãi Khmer ở Rạch Sỏi - Kiên Giang (năm 1974) đã kéo dài trong 3 tháng; cuộc đấu tranh của sư sãi ở Trà Cú - Sóc Trăng (năm 1966 - 1967) với hàng trăm sư sãi và trên 40 ngàn đồng bào tham gia. Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968, các cuộc đấu tranh chống đôn quân, bắt lính của sư sãi Khmer ở Hậu Giang đã kéo dài trong 2 năm (1969 - 1970). Riêng cuộc đấu tranh vào cuối năm 1969 đã có 5 ngàn sư sãi thuộc tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu tham gia; chỉ riêng ở Vĩnh Châu đã huy động được 1.200 sư sãi tham gia đấu tranh. Đặc biệt là cuộc đấu tranh của sư sãi chùa Bà Beo vào ngày 22/5/1970 với sự tham dự của hơn 40 sư sãi và 300 đồng bào Khmer. Những thành tích trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của sư sãi Khmer yêu nước đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận, tặng thưởng hai Huân chương Giải phóng hạng Nhất dành cho giới Phật giáo Nam tông Khmer vùng Tây Nam Bộ.

Đất nước thống nhất, Đảng, Nhà nước ta đã thực hiện nhiều chủ trương, chính sách để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Khmer tại các tỉnh vùng Tây Nam Bộ; đã ghi nhận công lao của nhiều sư sãi, nhiều ngôi chùa Khmer đóng góp cho sự nghiệp cách mạng. Tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước, trong nhiều năm qua, các vị sư sãi Khmer cùng với việc tu hành tôn giáo đã tích cực tham gia tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến tín đồ, phật tử và bà con Khmer ở địa phương; tích cực tham gia thực hiện cuộc vận động xây dựng đời sống văn hoá ở địa bàn dân cư, phòng, chống tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương. Nhiều sư sãi Khmer đã tham gia động viên con em ở địa phương thực hiện tốt nghĩa vụ quân sự, tham gia các hoạt động từ thiện, xoá đói giảm nghèo. Hầu hết các trường học trong chùa Khmer được các sư sãi dạy miễn phí và cấp sách vở, bút viết cho con em các gia đình Khmer nghèo. Nhà chùa đã giúp các em biết đọc, biết viết, biết làm tính. Một số chùa Khmer có vườn thuốc nam và một số nhà sư Khmer có kiến thức về y học dân tộc đã giúp đỡ rất nhiều cho việc khám chữa bệnh của bà con Khmer và các dân tộc khác trong vùng. Các sư sãi cũng giúp bà con những kiến thức về y tế, vận động đồng bào uống nước sôi, giữ vệ sinh ăn uống, ngủ màn chống muỗi sốt rét. Những hoạt động xã hội của sư sãi Khmer đã góp phần tích cực giúp chính quyền cơ sở trong việc thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo và các chính sách xã hội của Nhà nước ở địa phương. Thực hiện theo tôn chỉ của Đức Phật “Duy tuệ thị nghiệp”, dùng trí tuệ làm sự nghiệp để thức tỉnh chính mình và thức tỉnh chúng sinh, cùng mưu cầu hạnh phúc cho mọi người, gắn bó mật thiết với Tổ quốc và dân tộc. Nhiều sư sãi Khmer tiêu biểu đã được bầu cử tham gia Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; được bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.

Chùa không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa, hoạt động tâm linh, mà còn là nơi hội họp của đồng bào Khmer đến từ các phum, sóc. Kể cả việc đạo và việc đời, mỗi khi các phum, sóc có việc, có chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước hoặc chính quyền địa phương cần phổ biến và triển khai thì chùa chính là một địa điểm tập trung bà con rất lý tưởng. Từ chùa, nhiều hoạt động cộng đồng được phổ biến, tuyên truyền và tổ chức thực thi.

Một trong những vai trò quan trọng khác của chùa Phật giáo Nam tông Khmer đó là nơi diễn ra nhiều hoạt động từ thiện nhân đạo. Hoạt động từ thiện nhân đạo là một trong những hoạt động điển hình của các tôn giáo và Phật giáo Nam tông Khmer cũng không phải là ngoại lệ. Ở nhiều chùa Khmer, thường thấy không ít các hoạt động nuôi dưỡng người neo đơn, người già không có nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, khuyết tật. Với những đối tượng ấy, chùa thật sự trở thành mái ấm tình thương cưu mang, che chở họ. Không những vậy, chùa còn là nơi cứu trợ, giúp đỡ bà con trong các phum, sóc bị thiên tai, bão lũ. Thông thường chùa có nhiều ruộng (do Phật tử có con em tu chùa góp ruộng), nên Ban quản trị chùa tổ chức sản xuất và tích trữ được tại chùa và thóc lúa dự trữ ấy được sử dụng một phần để làm từ thiện xã hội, cứu trợ.

Một số giải pháp để tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước của sư sãi Khmer

Để làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng bào Khmer, hệ thống chính trị các cấp từ Trung ương đến cơ sở cần tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.

Một là, tiếp tục phối hợp tạo điều kiện giúp đỡ để củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức về mặt giáo quyền của Phật giáo Nam tông cấp khu vực trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Hội Đoàn kết sư sãi Khmer yêu nước các tỉnh Tây Nam Bộ. Xây dựng, bồi dưỡng, phát huy vai trò của các vị chức sắc tiêu biểu phụ trách về giáo quyền và Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tích cực tham gia các hoạt động của Hội, tham gia quản lý, điều hành các chùa và các sinh hoạt, học hành của sư sãi, các hoạt động lễ hội của đồng bào Khmer theo phong tục, tập quán truyền thống.

Hai là, cần có chiến lược lâu dài phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam để xây dựng đội ngũ sư sãi Khmer vừa tinh thông đạo pháp, có uy tín với người đồng đạo, song lại vừa có thái độ chính trị tốt. Việc đào tạo phải chú ý kết hợp cả ba nội dung: tiếng Pàli, Phật học và học vấn (văn hóa). Cần duy trì cả ba cấp đào tạo: cấp cơ sở (theo chùa), bậc trung cấp theo đơn vị tỉnh và bậc cao cấp cho toàn khối Phật giáo Nam tông của người Khmer.

Ba là, tạo điều kiện giúp đỡ Phật giáo Nam tông có đủ kinh sách phục vụ nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, xoá bỏ sự phụ thuộc vào kinh sách ở nước ngoài. Nhà nước cần quan tâm hỗ trợ cho việc xuất bản kinh sách phục vụ hoạt động tôn giáo cho người Khmer ở Nam Bộ.

Bốn là, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể các cấp cần chú trọng xây dựng, bồi dưỡng phát huy vai trò của sư sãi trong công tác tuyên truyền, vận động, phối hợp với chính quyền tạo điều kiện xây dựng các ngôi chùa thành các điểm sinh hoạt văn hoá. Trang bị tủ sách, ti vi, đài, hệ thống phát thanh phục vụ nhu cầu về đời sống tinh thần của đồng bào cũng như tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các phong trào thi đua yêu nước ở các địa phương.

Nguyễn Hữu Dũng

TS, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam

Đồng chí Đỗ Văn Chiến Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Xem thêm
Gửi ban biên tập
Tìm kiếm văn bản